asset_219

Nhận biết một số vấn đề của nước

Nước sạch là gì?

Nước sạch có thể được định nghĩa là nguồn nước trong, không màu, không mùi, không vị và không chứa các độc chất, vi khuẩn gây bệnh cho con người. Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt – QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6/2009.

Tuy nhiên, bạn nên nhớ nguồn nước trong, không màu, không mùi, không vị chưa hẳn là nguồn nước sạch. Đồng thời, nước máy là nguồn nước có tỷ lệ mẫu nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất nhưng cũng chỉ ở mức 65.2%. Giếng khơi là nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng nhất, chỉ đạt 7.3% số mẫu điều tra đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Các nguồn nước khác như nước mưa, nước mặt và nước giếng khoan cũng bị ô nhiễm và chỉ đạt tương ứng 27.3%, 13.8%,  7.7% số mẫu đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Nước máy nhà bạn liệu có sạch ? Làm thế nào để biết nguồn nước nhà bạn đang bị ô nhiễm?

Cách để nhận biết nước sạch là gì?

Vẫn còn một số nguồn nước độc hại tiếp xúc với chúng ta mỗi ngày. Bằng một vài cách dưới đây, bạn có thể xác định được đâu là nước sạch đâu là nước nhiễm bẩn:

  • Nhận biết bằng màu sắc, mùi vị: Nước sạch là nước không màu, không mùi, không vị vì thế nếu thấy nước có màu vàng hoặc màu xanh là nước đã bị nhiễm sắt, nhiễm phèn và tảo biển rất cao. Còn nếu bạn ngửi thấy mùi thuốc tẩy, clo hay mùi tanh thì nguồn nước này chắc chắn đã có vấn đề và bạn nên ngưng sử dụng nó.
  • Nhận biết qua các vật dụng đun nước nóng: Bạn chỉ cần kiểm tra các dụng cụ bằng sành sứ như ấm đun nước, bình nóng lạnh, nếu dưới đáy có cặn đen, thì nước nhà bạn đã bị nhiễm mangan.
  • Nhận biết qua cách đun nước: Bạn lấy một lượng nước đun sôi, khi đun sôi nếu thấy hiện tượng nổi váng hay có cặn trắng thì nguồn nước bạn đang sử dụng đã bị nhiễm canxi và bạn cần phải ngưng sử dụng nó ngay.
  • Nhận biết qua kiểm tra nhiễm asen: Bạn để nước vào một bình sau một thời gian kiểm tra lại nước bên trong, nếu thấy tính trạng nước đục, chuyển sang màu trắng sữa thì nguồn nước đã bị nhiễm asen và gây nguy hại cho sức khỏe. 

Nhận biết nguồn nước ô nhiễm qua màu sắc và mùi

Nước nhiễm sắt – phèn

Phèn, sắt là một muối kép của sắt (III) sunfat với muối sunfat của kim loại kiềm hay amoni. Ví dụ: Kali sắt sunfat KFe(SO4)2.12H2O. Ở dạng tinh khiết, phèn sắt là tinh thể không màu nhưng thường có màu tím vì có vết mangan, tan trong nước. Nước này thường làm hư hại thiết bị trong gia đình và ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người sử dụng.

– Cách nhận biết: Khi nguồn nước sinh hoạt gia đình bị nhiễm phèn, sắt thì các thiết bị hay vật dụng trong nhà sẽ có các vết hoen ố hay gỉ sét rất dễ nhận biết. Đồng thời nước có mùi tanh, vị chua nhẹ, có váng cũng như màu vàng đậm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể làm thí nghiệm với chè khô hoặc mủ cây chuối để nhận biết liệu trong nguồn nước gia đình có nhiễm phèn, sắt hay không. Cách kiểm tra nước sinh hoạt nhiễm phèn rất đơn giản: cho nước chè khô hoặc mủ cây chuối nhỏ vào nước và chờ trong giây lát. Nếu nước chuyển màu thành tím thì chứng tỏ nguồn nước máy đang bị ô nhiễm.

– Tác hại: Nước nhiễm phèn sắt làm ố vàng, đóng cặn và ăn mòn tất cả các dụng cụ đựng nước và dẫn nước cũng như các đồ vật gia dụng. Có thể gây ố vàng, khô ráp và mục, làm hỏng quần áo. Nước này thường chứa nhiều chất mang tính kiềm, nếu dùng để sinh hoạt và ăn uống làm khô da, phồng, tróc vảy và gây các bệnh về đường ruột, thậm chí ung thư.

Nước sinh hoạt nhiễm Clo

Clo là chất khí, màu vàng lục, mùi xốc, nặng hơn không khí 2,5 lần. Clo được dùng để khử trùng chủ yếu sử dụng trong hệ thống cung cấp nước cộng đồng cỡ nhỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

– Cách nhận biết: Clo dư thường xuất hiện trong nguồn nước máy gây ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng lâu dài. Nước nhiễm Clo thường có mùi nồng, hắc đặc trưng như mùi thuốc tẩy hoặc nước ở bể bơi. Sử dụng nước có hàm lượng Clo vượt quá mức cho phép thì gia đình bạn sẽ gặp những ảnh hưởng trực tiếp.

– Tác hại của nước Clo dư: Làm tóc khô, xơ, dễ gãy, gây gầu hoặc khiến da sạm, khô. Clo dư còn gây nên bệnh viêm kết mạc, đỏ tấy. Người dùng nước này có thể dẫn đến hen suyễn, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt, nước nguy hiểm đối với những phụ nữ mang thai vì nó có thể gây sảy thai, dị tật thai nhi. Phụ phẩm Clo còn góp phần gây nên ung thư bàng quang.

 Nước cứng (nước nhiễm Canxi)

Canxi là một kim loại mềm và phản ứng mạnh, là nguyên tố kim loại có màu trắng xám sau khi tiếp xúc với không khí.

 – Cách nhận biết: Không dễ dàng gì để bạn phân biệt được nguồn nước cứng bằng mắt thường mà không qua các thí nghiệm xác thực. Bằng cách đun sôi nước, bạn mới có thể kiểm tra được nguồn nước cứng này. Nếu sau khi đun sôi nước, bạn thấy có hiện tượng cặn trắng, váng xuất hiện thì đấy chính là nguồn nước máy đang bị ô nhiễm đã nhiễm canxi nặng.

– Tác hại: Đối với sinh hoạt hàng ngày, nước cứng làm giảm khả năng tạo bọt của xà phòng, làm cho trà, cafe cũng như thức ăn bị mất vị, tạo những lớp mạng bám chắc trên bát, đũa và dụng cụ và thiết bị gia dụng của gia đình bạn. Đối với sức khỏe con người, muối Cacbonat kết tủa không thấm qua được thành ruột, động mạch và tích tụ lâu ngày sẽ tạo thành sỏi hoặc làm tắc những đường động mạch, tĩnh mạch. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như sỏi thận hay nguy hiểm hơn nữa là đột quỵ, bệnh tim.

Nước nhiễm Mangan

Mangan là một kim loại màu trắng bạc, có kí hiệu Mn và có số hiệu nguyên tử 25.  Mangan có mặt trong nước ở dạng ion hòa tan (Mn2+).

– Cách nhận biết: Nước nhiễm Mangan có những biểu hiện cảm quan như nước có mùi tanh, đục, có màu vàng. Khi có hiện tượng bám cặn đen ở những thiết bị sành sứ như bồn cầu, bình nóng lạnh trong nhà tắm hay bám cặn ở các dụng cụ đun nước hoặc khi nấu ăn khiến thức ăn nấu lâu chín hơn thường lệ thì nước sinh hoạt nhà bạn đã nhiễm mangan.

– Tác hại: Ở hàm lượng nhỏ (dưới 0,1mg/lít) thì mangan có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên khi ở hàm lượng cao (từ 1-5mg/lít) sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể. Cụ thể, Mn cao gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng gần như tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng Mn hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Nhiễm độc từ nước này còn dẫn đến giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không ổn định và dáng đi, ngôn ngữ bất thường.

Mn đặc biệt có hại cho trẻ bởi cơ thể trẻ em dễ dàng hấp thụ được rất nhiều Mn trong khi khả năng đào thải ra ngoài rất ít. Điều đó dẫn đến sự tích tụ Mn trong cơ thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước máy đang bị ô nhiễm Mn.

Nước nhiễm Amoni

Amoni có công thức hóa học NH3, là chất khí không màu và có mùi khai. Trong nước, Amoni tồn tại dưới 2 dạng là NH3 và NH4+. Amoni không tồn tại lâu trong nước mà dễ dàng chuyển thành nitrite.

– Cách nhận biết: Nước nhiễm Amoni nếu dùng luộc thịt làm thịt không mất màu đỏ hồng ngay cả khi chín nhừ, thậm chí còn có mùi khai, mùi khó chịu khi đun nấu.

– Tác hại: Amoni tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nó có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.

Đối với nguồn nước bị nhiễm Asen (thạch tín)

Asen (thạch tín) là một á kim có màu xám bạc và Asen rất độc khi ở dạng hợp chất. Trong tự nhiên, Asen nằm ở lớp trầm tích của vỏ trái đất do vậy nó thường có mặt trong các tầng nước ngầm và nước bề mặt. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế: “Asen là một chất độc, độc gấp 4 lần thủy ngân. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh Châu Âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1”.

– Cách nhận biết: Nồng độ Asen trong nguồn nước máy đang bị ô nhiễm có thể được phát hiện thông qua cách làm hết sức đơn giản bằng cách bạn để nước trong bình chứa một thời gian sau đó quay lại kiểm tra xem nước bên trong bình chứa có hiện tượng đục, màu trắng sữa hay không. Nếu có thì chính xác là nguồn nước nhà bạn nhiễm nồng độ Asen cực kỳ lớn và vô cùng nguy hại cho sức khỏe cả nhà. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp không thể phát hiện nước nhiễm Asen bằng cảm quan. Theo Tổ chức Y tế thế giới, lượng Asen trong nước dưới 10 ppb được coi là an toàn cho người sử dụng. Muốn biết chính xác nước nhà mình có an toàn cho ăn uống hay không, các hộ gia đình có thể mang mẫu nước đến các trung tâm xét nghiệm nước để kiểm tra lượng Asen

– Tác hại: Theo Ts.Bs Nguyễn Huy Nga, khi Asen thâm nhập hàng ngày vào cơ thể kể cả ở hàm lượng thấp cũng gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, thậm chí liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư bàng quang, ung thư gan.

Tác hại của Asen đối với cơ thể. Nguồn nước máy đang bị ô nhiễm.

Các nguy cơ ô nhiễm khác

– Chỉ số pecmanganat: Chỉ số pecmanganat trong nước cao là dấu hiệu nước đã bị ô nhiễm các chất hữu cơ (phương pháp xác định nhu cầu oxy hóa học, tương tự COD).

– Nước nhiễm vi sinh (E. coli và Coliforms): do nước thải thấm vào mạch nước ngầm, do nước từ trên mặt đất chảy tràn xuống giếng hoặc do quá trình lưu chứa nước chưa đảm bảo vệ sinh. E. coli và Coliforms là những nhóm vi khuẩn định danh, khi chúng hiện diện trong nước chứng tỏ nguồn nước đã bị nhiễm phân người hoặc phân súc vật, và có thể dẫn đến việc nguồn nước có thể nhiễm những vi khuẩn đường ruột khác (tả, lỵ thương hàn…). Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm khuẩn huyết.

– Nước máy nhiễm chì: Chì là một chất cực kỳ độc hại bởi vì nó ức chế oxy và canxi đến các tế bào của bạn. Chì bị nhiễm vào nước máy thành phố từ mạch nước ngầm và từ đường ống nước qua các thiết bị kim loại (có hàn chì, mạ kẽm, đồ đồng) mà nước tiếp xúc. Nước ở càng lâu trong môi trường đó thì càng bị nhiễm nhiều chì. Theo EPA (Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ), trẻ sơ sinh và trẻ em tiếp xúc với chì trong nước uống có thể dẫn đến sự chậm trễ trong phát triển thể chất và tinh thần.

Lưu ý: Ở trên chỉ là những dấu hiệu nhận biết thông thường đối với các nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu nước đang sử dụng không hề có các dấu hiệu trên, bạn cũng đừng vội vàng kết luận nguồn nước đang sử dụng là nước sạch. Rất nhiều trường hợp nước không biểu hiện ra bên ngoài các dấu hiệu nhận biết song nước vẫn bị ô nhiễm nặng. Để biết nước chính xác nước có thực sự sạch hay không, cần tiến hành rất nhiều các xét nghiệm phức tạp để kiểm tra.